Điều thú vị về ý nghĩa màu sắc của văn hoá Nhật Bản

Cập nhật: 16/04/2021
Lượt xem: 814

Mỗi màu sắc tượng trưng cho một ý nghĩa riêng biệt, là một phần quan trọng trong văn hóa, phản ánh lịch sử và tín ngưỡng của Nhật Bản.

Từ chỉ màu xanh lam và màu xanh lục từng là một

Trong một thời gian rất dài, từ ao (青) được sử dụng để mô tả cả màu xanh lam lẫn xanh lục, và không có sự khác biệt giữa chúng về mặt văn hóa. Sau đó, người Nhật dùng từ midori (緑) để chỉ màu xanh lá cây, nhưng việc sử dụng từ "ao" cho màu này vẫn để lại dấu tích trong từ vựng tiếng Nhật ngày nay, ví dụ như aoba (lá xanh) hoặc aoume (mận xanh). Đây cũng là lý do tại sao trong tiếng Nhật, đèn giao thông màu xanh lá cây được gọi là aoshingo.

Điều thú vị về ý nghĩa màu sắc của văn hoá Nhật Bản

Giống như trong hầu hết các nền văn hóa, màu xanh lá cây thường gắn liền với thiên nhiên và cảm giác yên bình, tĩnh lặng. Một trong những sắc xanh truyền thống trong văn hóa Nhật Bản là matchairo, nghĩa là màu xanh của trà matcha.

Màu tím từng dành riêng cho giai cấp thống trị

Trước đây ở Nhật Bản, dân thường bị cấm mặc quần áo màu tím. Để chế tác một bộ trang phục màu tím rất khó và mất nhiều thời gian, bởi màu này cần được chiết xuất từ shigusa, một loại cây rất khó trồng. Vì vậy, màu tím rất đắt đỏ và hiếm thấy. Tuy nhiên, tới thời Edo, trang phục màu tím đã bắt đầu trở nên thịnh hành và phổ biến.

Màu đỏ tượng trưng cho sự bảo vệ và quyền lực

Lịch sử của màu đỏ ở Nhật Bản có từ thời cổ đại. Màu đỏ phổ biến nhất ở Nhật là màu cổng đền Thần đạo. Tông màu đỏ đặc biệt này được gọi là akani. Mỗi ngôi đền sử dụng một màu đỏ hơi khác nhau, ngoài tác dụng trang trí, akani còn giúp cánh cổng không bị gỉ sét vì chứa một lượng thủy ngân cinnabar. Cũng vì thế, màu đỏ tượng trưng cho năng lực bảo vệ trước cái ác và thảm họa. Màu đỏ cũng được cho là có thể làm tăng sức mạnh của các vị thần.

Điều thú vị về ý nghĩa màu sắc của văn hoá Nhật Bản

Trong cuộc nội chiến Nhật Bản (1467-1568), màu đỏ được các samurai yêu thích và coi như biểu tượng của sức mạnh và quyền lực. Màu đỏ cũng được sử dụng làm đồ trang điểm ở Nhật Bản từ rất lâu trước khi son môi trở nên phổ biến. Nó được cho là có tác dụng bảo vệ vẻ đẹp của phụ nữ Nhật Bản.

Màu trắng ban đầu là màu tang tóc

Từ xa xưa, cũng như trong nhiều nền văn hóa, màu trắng là biểu tượng của sự thuần khiết. Nó gắn liền với thế giới tâm linh. Đến tận ngày nay, các thần chủ Thần đạo và các vu nữ miko hầu như đều mặc trang phục màu trắng.

Tuy nhiên, màu trắng từng là màu mặc trong tang lễ và rất ít khi được dùng vào những dịp khác. Chỉ sau khi Nhật Bản mở cửa vào thời Minh Trị, dưới ảnh hưởng của phương Tây, người Nhật mới bắt đầu mặc màu trắng trong cuộc sống thường ngày và màu dùng trong tang lễ chuyển thành màu đen.

Phụ nữ từng nhuộm răng đen

Cách sử dụng màu đen lâu đời nhất trong văn hóa Nhật Bản là hình xăm. Vào thời cổ đại, người Nhật xăm mình, đặc biệt là ngư dân, họ thường xăm hình con chim hoặc con cá lớn để bảo vệ mình khỏi ma quỷ. Màu đen được cho là sắc thái đối lập với màu tím: đến thời Asuka (538- 710), Hoàng tử Shotoku đã dùng màu sắc tương ứng với hệ thống 12 cấp bậc và thứ hạng trong xã hội, và màu đen dành cho hai hạng cuối cùng.

Màu đen cũng là màu được dùng để trang điểm từ thời cổ đại. Nhưng ngoài việc vẽ lông mày như ở nhiều nước khác, người Nhật còn dùng màu này cho một phong tục khác thường gọi là o-haguro: nhuộm răng đen. Đến cuối thời Minh Trị, phụ nữ Nhật Bản nhuộm răng đen bằng mạt sắt hòa tan với giấm. Hỗn hợp này có một tác dụng rất thiết thực: đó là ngăn ngừa sâu răng.

Theo dõi Intrase để cập nhật những thông tin thú vị về Nhật Bản, bạn nhé!

 
X ĐÓNG LẠI