Cơ hội cho người lao động khi tham gia chương trình đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc (EPS)

Cập nhật: 28/10/2023
Lượt xem: 3210

1. Chương trình EPS là gì ? 

EPS là 3 chữ viết tắt của: Employment permit system ( Hệ thống giấy phép làm việc).

EPS là chương trình đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc theo Luật cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc có hiệu lực từ năm 2004. Khi đạt đủ điều kiện để tham gia làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, người lao động sẽ được pháp luật Hàn Quốc bảo vệ và được hưởng những quyền lợi cơ bản bình đẳng như lao động Hàn Quốc.

Đây là chương trình được thực hiện theo MOU giữa Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội Việt Nam và Bộ Việc làm & Lao động Hàn Quốc. Trung tâm Lao động ngoài nước ( TTLĐNN) trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan duy nhất của Việt Nam được giao nhiệm vụ tuyển chọn và phái cử NLĐ. Từ năm 2004 đến nay, đã có hơn 123.000 lượt người lao động xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình này.

Được biết, những năm gần đây, do già hóa dân số, Hàn Quốc ngày càng thiếu hụt nhân lực, nhất là trong các ngành: Lắp ráp, chế tạo, xây dựng, nuôi trồng hải sản, đánh bắt gần bờ, đóng tàu… Chính phủ Hàn Quốc đang tích cực điều chỉnh chính sách để thu hút nhiều nhân lực nước ngoài với các điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động…  

Hội thảo thúc đẩy người lao động các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đi làm việc tại nước ngoài diễn ra tại Quảng Bình

2. Làm thế nào để đi Xuất khẩu lao động theo chương trình EPS ?

A. Điều kiện dự tuyển tham gia Chương trình EPS

Người lao động đăng kí dự thi tiếng Hàn phải có đủ các điều kiện sau:

- Từ 18 đến 39 tuổi ( tính đến ngày đăng kí dự thi)

- Không có án tích theo quy định của pháp luật, không bị cấm xuất cảnh Việt Nam và chưa từng bị trục xuất khỏi Hàn Quốc.

- Nếu đã từng cư trú tại Hàn Quốc ( bao gồm cư trú hợp pháp và bất hợp pháp) theo visa E9 ( lao động EPS) hoặc/ và visa E10 ( thuyền viên tàu đánh cá) thì thời gian cư trú phải dưới 05 năm.

- Không có thân nhân ( bố/mẹ/con đẻ, anh/chị/em ruột, vợ/chồng|) đnag cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

- Đủ sức khoẻ để đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Bộ Y tế.

- Không bị mù màu, rối loạn sắc giác, trường hợp NLĐ bị dị tật hoặc chấn thương về tay, chân và cột sống vẫn được đăng kí dự thi. Tuy nhiên việc xét tuyển sẽ căn cứ vào kết quả kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực.

-  Trường hợp người lao động đã đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS thì phải về nước đúng hạn hợp đồng, trong trường hợp từng cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc thì tự nguyện về nước trong các khoảng thời gian Chính phủ Hàn Quốc thực hiện chính sách miễn xử phạt đối với người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện để về nước.

B. Các ngành nghề

- Ngành sản xuất chế tạo (SXCT)

- Xây dựng (XD)

- Ngành Nông nghiệp ( NN)

- Ngành Ngư nghiệp (NgN)   

C. Thời gian tiếp nhận đăng kí và tổ chức kì thi

Sau khi có thông báo của HRD Korea, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ gửi Công văn thông báo tới các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng và website Trung tâm về kế hoạch đăng kí dự thi, lịch thi tiếng Hàn, tay nghề.

D. Quy trình tham gia Chương trình:

Bước 1: Đăng kí dự thi tiếng Hàn và các đợt dự thi

NLĐ đăng kí dự thi tiếng Hàn (EPS –TOPIK) tại Sở LĐTBXH địa phương khi có thông báo của Bộ LĐTBXH và chỉ được lựa chọn đăng kí duy nhất 1 trong số các ngành SXCT, XD, NN, NgN.

Bước 2: Dự thi tiếng Hàn và kiểm tra tay nghề

 Phương thức thi tuyển:

- Vòng 1: Thi tiếng Hàn

+ Hình thức thi: Thi trắc nghiệm trên máy tính, gồm 2 kỹ năng nghe hiểu, đọc hiểu, tổng số 40 câu hỏi, thời gian làm bài 50 phút, điểm tối đa 200 điểm.

+ NLĐ thi dạt tiếng Hàn vòng 1 được xác định theo nguyên tắc lấy từ người có điểm cao nhất trở xuống đến khi đủ số lượng theo chỉ tiêu mà Hàn Quốc công bố.

+ NLĐ đạt yêu cầu qua vòng thi tiếng Hàn mới được tham dự kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực.

- Vòng 2: Kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực

+ Kiểm tra tay nghề gồm các nội dung kiểm tra năng lực, kiểm tra kỹ năng cơ bản và phỏng vấn.

+ Đánh giá năng lực: Đánh giá kinh nghiệm thực tế và các bằng cấp, chứng chỉ liên quan ngành nghề đăng kí.

+ NLĐ trúng tuyển qua vòng 2 được lựa chọn theo nguyên tắc lấy từ người có điểm cao nhất trở xuống đến khi đủ chỉ tiêu.

Bước 3: Nộp hồ sơ dự tuyển, tuyển dụng và kí hợp đồng

+ NLĐ đạt yêu cầu qua 2 vòng thi mới được làm hồ sơ đăng kí dự tuyển tham gia chương trình EPS để giới thiệu với chủ sử dụng Hàn Quốc.

+ NLĐ tải mẫu hồ sơ trên website của Trung tâm lao động ngoài nước: colab.gov.vn kê khai và nộp tại Sở LĐTBXH nơi người lao động đăng kí dự thi.

+ Hồ sơ của NLĐ sẽ được rà soát, nếu hợp lệ sẽ được nhập vào hệ thống SPAS của Hàn Quốc để giới thiệu cho doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn, ký hợp đồng.

+ Khi NLĐ được tuyển dụng, TTLĐNN sẽ nhắn tin vào số số điện thoại NLĐ đăng kí, đăng thông báo trên website colab.gov.vn gửi thông báo tới Sở LĐTBXH các địa phương kèm theo “ Hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc tại Hàn Quốc” và “ Hợp đồng lao động”, đồng thời thông báo trực tiếp tới NLĐ.

Bước 4: Ký hợp đồng, ký quỹ và nộp chi phí phái cử

+ NLĐ ký “ Hợp đồng lao động”, “ Hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc tại Hàn Quốc”.

+ NLĐ nộp chi phí phái cử bằng VNĐ tương đương 630 USD theo quy định cho Sở LĐTBXH địa phương nơi nộp hồ sơ đăng kí dự tuyển và kí quỹ 100 triệu đồng tại Ngân hàng chính sách xã hội.

Bước 5: Tham gia khoá bổ túc tiếng Hàn, đào tạo

Bước 6: Xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc

Bước 7: Thực hiện Hợp đồng lao động tại Hàn Quốc và về nước đúng hạn khi hết thời hạn hợp đồng lao động

Bước 8: Thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, tất toán tài khoản kí quỹ

 

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Việc làm và Lao động Hàn Quốc Lee Jung Sik ký và trao Bản Ghi nhớ (MOU) về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam. Ảnh - MOLISA. Nguồn vneconomy.vn

3. Người đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc theo chương trình EPS có được các quyền gì và nghĩa vụ như thế nào ?

A. Quyền lợi:

- Được làm việc tại Hàn Quốc với thời hạn 3 năm, nếu Doanh nghiệp Hàn Quốc có nhu cầu sẽ được gia hạn tối đa 01 năm 10 tháng. Vế nước đúng hạn khi kết thúc hợp đồng sẽ co cơ hội tái nhập cảnh Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS.

- Được hưởng mức lương cơ bản, lương làm thêm giờ và tham gia các loại bảo hiểm theo quy định của Hàn Quốc. Hiện nay, mức lương tối thiểu của Hàn Quốc là 9.620 won/h.

B. Nghĩa vụ: 

- Chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam và Hàn Quốc.

- Nộp chi phí dự thi tiếng Hàn bằng VNĐ tương đương 24 USD ( kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực: không thu phí).

- Kí quỹ 100 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định ( được nhận lại cả gốc lẫn lãi khi về nước đúng hạn).

- Nộp chi phí phái cử đi làm việc tại Hàn Quốc bằng VNĐ tương đương 630 USD; chi phí hành chính xin cấp visa 390.000 đồng, chi phí bổ túc tiếng Hàn trước khi xuất cảnh tối đa 2.400.000 VNĐ. Tiền trang phục: 280.000 VNĐ/ bộ trang phục mùa hè hoặc 300.000 VNĐ/ bộ mùa đông.

- Nộp 100.000 VNĐ tham gia Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, 150.000 VNĐ tiền tổ chức xuất cảnh, phí soi chiếu an ninh và phí phục vụ hành khách tại sân bay bằng VNĐ tương đương 10,5 USD.

Năm 2023, theo đề nghị của Việt Nam, phía Hàn Quốc cấp chỉ tiêu gấp 5 lần so với năm 2022 về số lao động Việt Nam sang làm việc tại nước này...

Với sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa hai Bộ, Chương trình EPS đã được triển khai thực hiện một cách  hiệu quả, công bằng, khách quan, minh bạch mang lại nhiều việc làm có thu nhập cao cho người lao động Việt Nam. Hi vọng Chương trình EPS sẽ là cơ hội tốt cho nhiều lao động với mong muốn tìm kiếm công việc, tăng thu nhập, mở rộng tương lai.

Bên cạnh đó, Chương trình EPS đóng góp vào sự phát triển của các doanh nghiệp Hàn Quốc, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia và góp phần nâng mối quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc.

 
X ĐÓNG LẠI